/ Kim Lũ – đất thiêng

Kim Lũ – đất thiêng

26/11/2019 - 407

(VTR) – Bên bờ sông Tô Lịch, gần Ngã Tư Sở, ngày xưa có một ngôi làng rất đẹp và được coi là một dải đất thiêng. Thoạt đầu làng có tên là Lủ, còn có tên Kẻ Lủ, một từ cổ, có thể từ chữ Lũ, mà sau này làng đổi tên là Kim Lũ. Kim Lũ, từ gốc Hán, nghĩa là sợi dây vàng, sợi kim tuyến, chỉ sự giàu sang. Làng Lủ xưa có ba xóm, nhưng người ở đây vẫn thường gọi là chạ. Chạ Cầu, nay là Kim Giang. Chạ Trung, nay là Kim Lũ. Chạ Văn, nay là Kim Văn. Khi làng Lủ đổi thành Kim Lũ thuộc tổng Khương Đình huyện Thanh Trì, nay là phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội.

Làng có một cổng chính và năm cổng phụ đều xây bằng gạch thất. Cổng chính nhìn hướng Đông có hai chữ “Quan Niệm” (Mũ Quan). Năm cổng xóm của làng nhìn ra năm hướng khác nhau, theo thuyết ngũ hành. Trong năm cổng ấy có cổng “Hồi Cẩm Môn” (áo gấm về qua cổng) là cổng mà các ông tiến sĩ của làng về quê không được cưỡi ngựa qua cửa đình mà phải xuống ngả mũ để đi bộ vào cổng chính.

Chỉ quan sát cách xây cổng đủ thấy làng này có nhiều người học hành đỗ đạt. Thế kỷ 17, có ông Nguyễn Công Thể, trong Việt sử thông giám cương mục Lịch triều hiến chương loại chí còn gọi là Nguyễn Công Thái (1684 – 1758). Ba mươi mốt tuổi, ông đỗ Hội nguyên Tiến sĩ, bốn lần giữ chức Tham tụng (tương đương với chức Tể Tướng). Ngoài ra ông còn giữ nhiều vị trí quan trọng khác, như: Đông các học sĩ tri lại phiên, Tế tửu Quốc Tử Giám, Tả thị lang bộ Lại kiêm Bồi tụng. Ông từng đào tạo nhiều nhân tài như Ngô Thì Sĩ, Phạm Lê Phiền, Đào Huy Điển. Ông cũng là người có công lớn đấu tranh với triều nhà Thanh – Trung Quốc trong việc cắm mốc giới giành lại khu mỏ đồng Tụ Long ở Cao Bằng. Ông là một nhà học vấn uyên bác, lúc đương thời rất được trọng vọng.

Sang thế kỷ 18, làng Lủ lại sinh ra Nguyễn Văn Siêu (1799 – 1872), được người đời gọi là “Thần Siêu” kèm với  “Thánh Quát” (Cao Bá Quát). Nguyễn Văn Siêu đỗ Phó bảng, làm quan đến chức Án sát. Ông còn là nhà thơ nhà văn danh tiếng, nhà sư phạm, nhà địa lý, nhà kiến trúc trứ danh. Với Thăng Long – Hà Nội, ông có công lớn trong việc trùng tu đền Ngọc Sơn và xây dựng Đài Nghiên – Tháp Bút và có công đào tạo nhiều nhân tài cho kinh kỳ

Sang thế kỷ 19, làng Lủ lại xuất hiện một nhân vật lớn trong lịch sử là ông Nguyễn Trọng Hợp, hiệu Kim Giang, là học trò của hai tiến sĩ Nguyễn Văn Lý và Vũ Tông Phan. Ông Nguyễn Trọng Hợp đỗ tiến sĩ năm 1865,  giữ nhiều chức vụ lớn trải qua năm đời vua nhà Nguyễn như Thượng thư Bộ Lại, Đại thần Cơ Mật viện, Văn Minh Điện đại học sĩ. Ông Nguyễn Trọng Hợp còn là nhà văn, nhà thơ, nhà sử học, đã để lại một loạt tác phẩm như Kim Giang văn tập, Kim Giang thi tập, Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập, Đại Nam chính biên đệ tứ kỷ…

Cuối thế kỷ 19, làng Lủ còn có ông Cử Phác, ông Nguyễn Sĩ Nhiếp. Đầu thế kỷ 20, có thêm một tiến sĩ là ông Nguyễn Sĩ Giác, ông Tản Đà – Nguyễn Khắc Hiếu, cử nhân Hoàng Đạo Thành phụ thân của nhà nghiên cứu Hoàng Đạo Thúy. Họ đều là những nhân vật để lại những dấu ấn trong lịch sử, văn hóa. Ngoài những nhân vật ấy ra còn có thể kể thêm nhiều tên tuổi đáng kính nữa, nhưng trong  phạm vi một bài ký, không thể làm nổi, xin bạn đọc miễn thứ.

Là một làng quê có truyền thống văn học nên Kim Lũ có nhiều phong tục tập quán tiến bộ đến nay vẫn còn được lưu giữ, như tập quán Trọng sỉ, tức là tôn trọng người già. Tục vào làng, Tục lên lão, Tục cưới xin, Tục tang tế, Tục vào phe giáp…

Kim Lũ xưa – Đại Kim ngày nay có bốn nhà thờ: Nhà thờ do danh nhân văn hóa Nguyễn Siêu xây để thờ Tổ. Nhà thờ Đại thần Nguyễn Trọng Hợp. Ngôi từ đường họ Nguyễn – nơi thờ Tể tướng Nguyễn Công Thái. Đền thờ công chúa Lê Thị Cúc Phương, con vua Lê Đại Hành.

Riêng khu đền thờ vua Lê Anh Tông là còn có điều trăn trở; ngôi đền vua Lê thì đã bị phá từ thời tiêu thổ kháng chiến chống Pháp. Những năm gần đây nhân dân xung quanh tự nguyện xây một cái bệ thờ bằng gạch trên nền đền cũ. Hàng ngày họ đến đặt lễ, thắp hương khấn vái. Nhất là vào ngày một, ngày rằm âm lịch nhân dân đến lễ rất đông.

Đền vua Lê được nhân dân Kim Lũ giữ gìn, bảo trọng, thờ phượng suốt ba thế kỷ, cho đến những ngày tiêu thổ kháng chiến bị phá. Hòa bình, đền không được xây lại, nhưng nhân dân vẫn âm thầm xây khán, che bạt để thắp hương thờ phượng, chiêm bái. Bởi những gì thuộc về ngôi đền vẫn được người đời trước truyền lại cho người đời sau, như mạch nước nguồn không bao giờ vơi cạn.

Bác Nguyễn Bá Lăng, một cán bộ về hưu hiện giữ chức Chủ tịch Hội Người cao tuổi khu dân cư số một Kim Lũ còn lục trong trí nhớ rồi đọc cho tôi nghe những câu chữ trên hoành phi, câu đối của ngôi đền, mặc dù những hoành phi câu đối ấy đã biến mất cùng với ngày ngôi đền bị phá. Bác Lăng bảo trên bức tường bên trên cổng đền có hai chữ Đản tường, nghĩa là bức tường tốt lành. Hai câu đối chạm hai bên trụ cổng: Thăng tính đản tường khai hoa mãn nguyệt/ Thanh đàm dục tú cổ mộc xuân thiên. Xin nhường cho độc giả tự dịch đôi câu đối này.

                                                                   Hà Nội, mùa đông 2013.

Bút ký của Lê Hoài Nam

(Theo vtr.org.vn)

Bài viết liên quan